Chọn ngành, chọn nghề

Học ngành Đông Nam Á, nhiều cơ hội việc làm

Khi nói về ngành Đông Nam Á (ĐNA) học hoàn toàn mới ở các trường đại học phía Bắc, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, những người đầu tiên học trong lĩnh vực này có rất nhiều triển vọng phát triển bản thân và cơ hội việc làm trong tương lai.

 

Trước đây, ĐNA chỉ là chuyên ngành nằm trong ngành Đông Phương học. Tuy nhiên, trước sự hình thành và hội nhập ngày càng sâu rộng của Hiệp hội các quốc gia ĐNA với những cộng đồng chung về an ninh, kinh tế, văn hóa của cả khu vực thì nhu cầu tìm hiểu kỹ hơn và phát triển sâu hơn về chuyên môn, ngôn ngữ của các nước ĐNA ngày càng lớn. Vì thế, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn quyết định tách ĐNA từ chuyên ngành nhỏ ra thành ngành độc lập, bắt đầu tuyển sinh từ năm nay với 50 chỉ tiêu.

Trong 3,5 – 4 năm học với 140 tín chỉ, trừ những kiến thức bắt buộc của khối ngành khoa học xã hội nhân văn, các môn học bắt buộc theo quy định của Bộ GD&ĐT, sẽ có khoảng 4/5 thời lượng học tập dành cho những học phần liên quan đến ĐNA. Nhà trường đặt vấn đề ngoại ngữ tiếng Anh của sinh viên ĐNA về cơ bản phải đạt mức độ chuẩn.

Bên cạnh đó, sinh viên phải vững một ngôn ngữ khác thuộc về ĐNA. Khối kiến thức thứ hai có trong ngành ĐNA là đất nước học. Sinh viên sẽ được tìm hiểu về lịch sử, tôn giáo, phong tục tập quán, các điều kiện kinh tế – xã hội của khu vực ĐNA hiện nay. Để hình thành nên nguồn nhân lực tốt, nhà trường chú trọng trang bị kỹ năng cho sinh viên.

Ngoài 45 – 50 tiết dành cho phát triển kỹ năng, sinh viên còn được tham gia các khóa đào tạo bổ trợ. Cộng với hơn 50 nhóm và câu lạc bộ trong trường sẽ trang bị cho sinh viên kỹ năng ngoại ngữ, thuyết trình, hùng biện, thuyết phục cấp trên và đối tác, xây dựng văn bản, tìm kiếm cơ hội, xây dựng hồ sơ lý lịch cá nhân…
PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho biết, cơ hội việc làm của sinh viên ngành ĐNA là rất rộng mở, thị trường lao động không chỉ trong môi trường nghiên cứu mà còn trong các doanh nghiệp, giao lưu hợp tác đầu tư. Địa bàn làm việc không bó hẹp ở Việt Nam mà còn trong khu vực các nước ĐNA. Tất nhiên, nếu sinh viên có tư duy tích cực, phông kiến thức ĐNA giỏi, kỹ năng chắc thì chắc chắn sẽ thành công.

Nguồn: kinhtedothi.vn


1
Bạn cần hỗ trợ tuyển sinh?