Thông tin tuyển sinh
Trực tuyến: Tư vấn tuyển sinh sáng 09/3
Chào mừng quý vị và các bạn đến với chương trình tư vấn tuyển sinh đại học trực tuyến của Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN).
Nội dung chương trình sáng nay là tư vấn hướng nghiệp và chọn ngành: Báo chí, Quan hệ công chúng, Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành, Đông phương học, Quốc tế học, Việt Nam học.
PGS.TS Nguyễn Văn Kim – Phó Bí thư thường trực, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV:
Thay mặt Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Đại học KHXH&NV, tôi xin gửi đến các bậc phụ huynh và các em thí sinh tham dự Chương trình tư vấn tuyển sinh đại học năm 2013 hôm nay lời chào trân trọng.
Trường Đại học KHXH&NV luôn chào đón tất cả các thí sinh dự thi khối A, B, C, D đăng kí dự thi vào các ngành của Trường để có thêm sức trẻ tiếp nối 68 năm truyền thống của Nhà trường kể từ ngày 10/10/1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh thành lập Đại học Văn khoa.
Trường Đại học KHXH&NV là trường đại học có truyền thống và uy tín trong nghiên cứu và đào tạo về KHXH&NV trong cả nước và khu vực. Từ năm học 2012 – 2013, Nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đào tạo các ngành khoa học cơ bản thông qua việc triển khai các chương trình phát triển đội ngũ giảng viên và đặc biệt là hoạt động hỗ trợ sinh viên (cấp kinh phí hỗ trợ học tập, tổ chức các khoá học miễn phí về phát triển năng lực cho sinh viên ..). Cũng từ năm học này, Nhà trường tổ chức đào tạo với chương trình đào tạo được xây dựng theo chuẩn đầu ra, phù hợp nhu cầu xã hội, có tính tương thông cao giữa các ngành, tăng cường cơ hội học tập cho sinh viên.Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội về của công tác tuyển sinh năm 2013, Nhà trường đang tích cực chuẩn bị cho công việc quan trọng này. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là công tác tư vấn tuyển sinh để giúp thí sinh nắm chắc được các quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiểu sâu sắc hơn về các ngành đào tạo của Trường, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Trong chương trình hôm nay, tôi rất muốn các em thí sinh, các bậc phụ huynh có những câu hỏi tập trung việc lựa chọn ngành như thế nào thì phù hợp với năng lực, nguyện vọng của các em và gia đình; việc học tập của sinh viên sẽ được Nhà trường hỗ trợ như thế nào cũng như là các chế độ học bổng, chính sách… Đây là những vấn đề cần thiết đối với các em sinh viên và gia đình trong suốt quá trình học tập tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Chúc các em thí sinh hoàn thành tốt kì thi tốt nghiệp phổ thông trung học và chuẩn bị tốt nhất cho kì thi tuyển sinh đại học năm 2013!
Hỏi: Em rất thích nghề báo, nhưng em chưa hiểu cụ thể công việc của người làm báo là gì. Khoa có thể giải thích giúp em được không ạ?
TS Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phó Chủ nhiệm Khoa BC&TT):
Nhà báo là người làm nghề đưa tin chuyên nghiệp. Họ tìm kiếm, xác minh, đánh giá và cung cấp thông tin nhanh nhất về tất cả những sự kiện mới tới công chúng. Dưới đây là những công việc chính của nhà báo:
- Săn tin: tìm tòi, phỏng vấn, chụp ảnh, quay hình.
- Dựng tin bài: Tổ chức các dữ liệu thành một tác phẩm hoàn chỉnh.
- Biên tập: Tác phẩm nộp lên sẽ được thẩm định, chỉnh sửa, bổ sung (hoặc quẳng đi không dùng!).
- Tổ chức nội dung: Tất cả những tác phẩm được duyệt sẽ được sắp xếp thành một chỉnh thể rồi được dàn trang, đem đi in hoặc đưa vào lịch phát sóng.
- Phát hành: Báo, tạp chí được đưa tới nơi tiêu thụ, còn các tác phẩm truyền hình, phát thanh thì lên sóng.
Hỏi: Muốn thi đầu vào Khoa BCTT, thí sinh cần thi những môn gì?
TS Nguyễn Thị Thanh Huyền:
Khoa Báo chí và Truyền thông đào tạo ngành Báo chí và ngành Quan hệ công chúng. Cả hai ngành đều tuyển sinh từ 3 khối: A, C, D. Thí sinh dự thi khối A (Toán, Lí, Hoá), C (Văn, Sử, Địa), D (Văn, Toán, Ngoại ngữ).
Hỏi (Thảo Trang – trangxinh02@***.com): Em thấy nhiều người bảo ngành Việt Nam học với ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có nhiều cái giống nhau, thầy cô có thể so sánh 02 ngành này để phân biệt giúp em được không? Theo thầy cô thì ngành nào có ưu thế xin việc hơn khi ra trường? Em cảm ơn.
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm khoa Việt Nam học và Tiếng Việt:
Chào em! Tôi thấy những băn khoăn của em là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên để so sánh 2 ngành này với nhau thì tôi e rằng ở diễn đàn này không có thời gian và điều kiện để so sánh hết. Vì thế tôi xin tam phân biệt những nội dung chính, hi vọng nó có thể giúp em được phần nào.
Trước hết đây là hai ngành đào tạo của 2 khoa: Khoa Việt Nam học (VNH) và Khoa Du lịch. Trong chương trình đào tạo của hai Khoa ở trường đại học KHXH&NV, đúng như em đã thấy, giữa 2 ngành có nhiều môn học giống nhau, đó là ngoài khối các môn học chung, chúng còn giống nhau về một số môn trong khối kiến thức chuyên ngành. Tuy nhiên với VNH, các em sẽ được trang bị khối kiến thức về đất nước và con người VN rộng và chuyên sâu hơn. Những tri thức này ở VNH có thể giúp em có thể thuận lợi hơn, tiện hơn trong việc hành nghề QTDVDL&LH. Và thực tế là, đã có rất nhiều em tốt nghiệp VNH đã làm việc ở các công ty du lịch, đặc biệt là có nhiều em trong thời gian học năm 3, năm 4, vào dịp hè đã có thể sử dụng kiến thức VNH để đi làm thêm, nghề hướng dẫn du lịch.
Cả hai ngành đều có những ưu thế riêng của ngành mình trước cơ hội xin việc. Vấn đề là phụ thuộc vào chính em, ở khả năng, sự say mê tích luỹ kiến thức cũng như sự ủng hộ giúp đỡ của gia đình, và đôi khi cần cả một chút may mắn nữa đấy em ạ.
Hỏi: Em thấy ở trường Nhân văn có khoa Quốc tế học mà trong Đại học Quốc gia Hà Nội lại có thêm Khoa Quốc tế nữa, vậy em muốn học về quan hệ quốc tế thì nên thi ở đâu hơn ạ? Trong quá trình học, em có được học cụ thể về khu vực nào không hay chỉ học chung về quan hệ quốc tế thôi? Em rất mong các thầy cô tư vấn giúp em vì sắp đến thời hạn trường em thu hồ sơ rồi ạ. Em xin cảm ơn. (Nguyễn Văn Tùng – tung.nv2011@***.com)
ThS Ngô Tuấn Thắng – Khoa Quốc tế học:
Khoa Quốc tế của ĐHQG Hà Nội là đơn vị độc lập với Trường Đại học KHXH&NV được thành lập năm 2002, tổ chức đào tạo các chương trình liên kết quốc tế do các trường đại học nước ngoài cấp bằng.
Khoa Quốc tế học trực thuộc Trường Đại học KHXH và NV được thành lập năm 1995, là đơn vị đào tạo và nghiên cứu về quốc tế học, quan hệ quốc tế có uy tín và chất lượng ở Việt Nam hiện nay. Chương trình đào tạo bậc đại học có mục tiêu chung là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, có kiến thức và kĩ năng căn bản cũng như chuyên sâu về nghiên cứu quốc tế/ quan hệ quốc tế.
Trong quá trình học, sau 3 năm sinh viên sẽ được lựa chọn để học các chuyên ngành nghiên cứu châu Mĩ, nghiên cứu châu Âu và Quan hệ quốc tế. Với kiến thức đa ngành và liên ngành, khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tiếp cận với những cơ hội việc làm rất đa dạng hoặc tiếp tục theo học ở các bậc học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ Quan hệ quốc tế, thạc sĩ châu Mĩ học do Khoa tổ chức hoặc các cơ sở đào tạo khác trong nước hoặc ngoài nước.
Với những giải đáp như trên, hi vọng em sẽ có được lựa chọn thích hợp với nguyện vọng của mình.
Hỏi: Mọi người nói làm báo là phải rất năng động, có đúng thế không ạ?
TS Nguyễn Thanh Huyền:
Đúng. Năng động là một trong những điều cần có của người làm báo. Ngoài ra, nhà báo còn cần có những phẩm chất khác như trung thực; Thích viết lách và có năng khiếu tổ chức thông tin; Quan tâm tới đời sống chính trị – xã hội; Kiên trì, không nản lòng khi gặp khó khăn; Phẩm chất chính trị trong sáng, vững vàng…
Hỏi: Học ngành Hàn Quốc học có nhiều cơ hội đi du học không?
PGS.TS Lê Đình Chỉnh – Chủ nhiệm Khoa Đông phương học:
Sinh viên chuyên ngành Hàn Quốc học của Khoa Đông phương học hàng năm đều có cơ hội nhận học bổng du học từ 6 tháng đến 1 năm (và có thể kéo dài đến 2 năm) từ các chương trình trao đổi sinh viên quốc tế của Trường với khoảng 20 – 25 suất học bổng. Ngoài ra, còn có nhiều quỹ học bổng khác tài trợ cho sinh viên như Korean Foundation, Lotte, Samsung, LG, Dusan, Huyndai, Chungsoo,… Mỗi suất học bổng này thường từ 200 USD đến 350 USD/sinh viên.
Hỏi: Năm nay em có ý định thi vào khoa Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành của trường. Em muốn hỏi là học khoa đó có được đào tạo các kiến thức liên quan đến quản trị, làm việc trong khách sạn, nhà hàng không ạ? Và nếu em đã vào được rồi thì em có thể đăng kí một khoa nữa và học hai bằng không? (Nguyễn Linh Anh – LinhAnhVIP@***.com)
ThS Tô Quang Long (Phó Chủ nhiệm Khoa Du lịch học):
Chào bạn,
Hiện tại trong chương trình đào tạo chuẩn của ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành ngoài những khối kiến thức chung như văn hoá, địa lí du lịch, quy hoạch du lịch ….chúng tôi hiện có 3 hướng đào tạo: quản trị lữ hành, quản trị khách sạn và quản trị sự kiện. Sinh viên có thể lựa chọn chuyên ngành yêu thích của mình sau khi hoàn thành các khối kiến thức chung, cơ bản của các ngành KHXH&NV. Trong các hướng chuyên môn, sinh viên sẽ được học đầy đủ các kiến thức liên quan đến quản trị, kiến thức nghiệp vụ chuyên ngành …đảm bảo để sinh viên có đu kiến thức và trình độ để làm việc sau này.
Khi em là sinh viên của khoa Du lịch học, em có cơ hội học một ngành thứ hai trong các ngành sau đây của Trường Đại học KHXH&NV: Khoa học quản lí, Báo chí, Quốc tế học hoặc ngành Tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHQGHN.
Hỏi: Em thấy từ cấp 1 đến cấp 3 đã học về rất nhiều về Việt Nam rồi, từ lịch sử, văn hoá đến kinh tế, xã hội…đều có cả. Vậy ngành Việt Nam học ở đại học có đào tạo kiến thức gì khác không hay vẫn các vấn đề đấy ạ? Mình ở Việt Nam mà lại học Việt Nam học thì em không biết là sau này ra trường liệu làm được ở những đâu ạ? Rất mong các thầy cô trả lời giúp em. (Vũ Văn Tiến)
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc:
Tri thức về Việt Nam (lịch sử, văn hoá…) mà các em đã học thuộc kiến thức phổ thông. Ở đại học, ngoài việc trang bị cho các em những kiến thức chuyên sâu, hệ thống về lịch sử, văn hoá, đất nước, con người, chính trị, quan hệ quốc tế của Việt Nam từ góc độ của khu vực học, đất nước học….Đồng thời, ở bậc đại học, ngành Việt Nam còn đào tạo các kĩ năng nghề nghiệp cần thiết khác để sinh viên sử dụng cùng với kiến thức chuyên môn Việt Nam học trong hoạt động nghề nghiệp sau này.
Còn ý thắc mắc của em về việc “Mình ở Việt Nam mà lại học Việt Nam học thì em không biết là sau này ra trường liệu làm được ở những đâu” thì câu trả lời đã được xác thực là:
- Nếu em là người thích nghiên cứu say mê tìm hiểu về mọi lĩnh vực, mọi khả năng, hay tiềm năng của đất nước và con người VN thì em sẽ trở thành nhà nghiên cứu VNH và làm việc trong các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lí văn hoá, doanh nghiệp tổ chức sự kiện – du lịch …
- Nếu em thích làm công tác giảng dạy về VNH thì hiện nay đã có gần 80 trường cao đẳng, đại học trên cả nước có đào tạo ngành VNH rồi
- Em cũng có thể trở thành những nhà tư vấn về mọi mặt của đất nước và con người VN cho các tổ chức, công ty đầu tư, các nhà hoạch định chính sách về phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá của cả nước ngoài lẫn trong nước ngoài, nhất là các tổ chức phi chính phủ….
- Em hoàn toàn dễ dàng trở thành những chuyên viên tư vấn về văn hoá, xã hội, phát triển nguồn lực và tiềm năng ở các tỉnh thành của nước ta. Điều này, sẽ giúp em có một việc làm ở các Sở, phòng văn hoá, thể thao và du lịch trên 63 tỉnh thành ở nước ta.
Hỏi: Thầy cô cho em hỏi, ngành Quốc tế học có nội dung học chủ yếu về vấn đề gì ạ? Liệu trong quá trình học e có cơ hội để đi nước ngoài không? (Thu Huyen)
ThS. Ngô Tuấn Thắng – Khoa Quốc tế học:
1. Về đào tạo, chương trình đào tạo của Khoa Quốc tế học được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản, hệ thống, hiện đại và hội nhập. Ngoài khối kiến thức chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên ngành Quốc tế học được trang bị những khối kiến thức cơ bản sau đây: 1) Khối kiến thức về lịch sử quan hệ quốc tế, các tổ chức quốc tế; 2) Các khu vực trên thế giới bao gồm châu Âu và châu Mĩ; 3) Các vấn đề quốc tế bao gồm kinh tế, chính trị, luật pháp, văn hoá…; 4) Các vấn đề chính sách và quan hệ đối ngoại của Việt Nam; 5) Ngoại ngữ và các kĩ năng nghiên cứu, giao tiếp, đàm phán quốc tế. Sau phần kiến thức cơ bản, sinh viên sẽ chọn một trong ba chuyên ngành là Quan hệ quốc tế, Nghiên cứu châu Âu, Nghiên cứu châu Mĩ. Ngoại ngữ được đặc biệt chú trọng trong chương trình đào tạo với 36 tín chỉ, chiếm 27.5% thời lượng của chương trình để giúp sinh viên có năng lực ngoại ngữ tốt sau tốt nghiệp.
2. Những năm gần đây, Khoa Quốc tế học có nhiều sinh viên đi trao đổi, du học nước ngoài ở các cấp bậc đào tạo như cử nhân, thạc sĩ. Tuy nhiên, một trong những điều kiện tiên quyết để có được các cơ hội đó là việc học Ngoại ngữ, đặc biệt là sinh viên phải có những chứng chỉ tiếng Anh như TOELF, IELTS…Ngoài ra, sinh viên phải có thành tích học tập tốt, nên tích cực tham gia những hoạt động ngoại khoá. Nhà trường và khoa luôn tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên nhận học bổng, đi du học nếu như các sinh viên đó đạt đủ tiêu chí của các chương trình tuyển chọn, các chương trình trao đổi với đối tác nước ngoài.
Hỏi: Thưa ban tư vấn tuyển sinh, năm nay em định thi vào khoa Quốc tế học nhưng khả năng ngoại ngữ của em rất kém, vậy liệu em có theo học ngành này được không? Có phải ngoại ngữ giỏi mới học được ngành này không ạ? (Pham Thu Ha – river150659@***.com)
ThS. Ngô Tuấn Thắng-Khoa Quốc tế học:
Bạn Hà thân mến, ngoại ngữ là môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo của Khoa Quốc tế học. Do đặc thù tuyển sinh đầu vào có cả khối A, C nên việc học ngoại ngữ đối với sinh viên được khoa quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện hơn. Các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết cũng sẽ được giảng dạy trong chương trình ngoại ngữ cơ sở, ngoại ngữ chuyên ngành Quốc tế. Tuy nhiên,với các bạn sinh viên còn yếu về ngoại ngữ thì các em cũng sẽ vẫn phải tự học tập, rèn luyện và cố gắng nhiều hơn để nâng cao trình độ của mình để đáp ứng được chuẩn đầu ra và sau này có thể có các cơ hội việc làm tốt hơn.
Hỏi: Cho em hỏi học quốc tế học ra trường làm gì ạ?
ThS. Ngô Tuấn Thắng – Khoa Quốc tế học:
Có thể khẳng định sinh viên Khoa Quốc tế học luôn tìm được công việc sau khi tốt nghiệp. Theo khảo sát của Nhà trường gần đây, Khoa Quốc tế học nằm ở trong nhóm dẫn đầu về thu nhập của sinh viên sau khi ra trường.
Với những kiến thức được trang bị tại trường và khoa, sinh viên hoàn toàn tự tin khi đi làm và có thể ra làm việc ở rất nhiều vị trí khác nhau, có thể kể tới như các tổ chức phi Chính phủ, các vị trí biên tập báo, truyền hình, các viện nghiên cứu, các bộ phận hợp tác quốc tế, đối ngoại của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp… Để biết thêm chi tiết và cụ thể các ngành nghề, em có thể xem thêm tại website tuyển sinh của trường (theo địa chỉ: http://tuyensinh.ussh.edu.vn/program/quoc-te-hoc/co-hoi-nghe-nghiep).
Hỏi: Học Đông phương học thì em sẽ được học những ngoại ngữ gì ạ?
PGS.TS Lê Đình Chỉnh – Chủ nhiệm Khoa Đông phương học:
Ngoài việc phải học 14 tín chỉ tiếng Anh trong 03 học kì, thì tuỳ theo chuyên ngành, sinh viên sẽ được trang bị một ngoại ngữ chuyên ngành phù hợp. Cụ thể như sau:
+ Chuyên ngành Ấn Độ: học tiếng Anh chuyên ngành về Ấn Độ
+ Chuyên ngành Korea học: học tiếng Hàn
+ Chuyên ngành Nhật Bản: học tiếng Nhật
+ Chuyên ngành Thái Lan: học tiếng Thái
+ Chuyên ngành Trung Quốc: học tiếng Trung
Ngoài ra, sinh viên có thể học thêm tiếng Ba Tư (miễn phí) do giảng viên người bản địa giảng dạy tại khoa.
Hỏi: Học Đông phương học thì em sẽ được trang bị những kiến thức gì?
PGS. TS Lê Đình Chỉnh – Chủ nhiệm Khoa Đông phương học:
Ngoài khối kiến thức chung và khối kiến thức cho các ngành học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên ngành Đông phương học còn được trang bị các kiến thức chung về Đông phương học, khu vực học, đặc biệt là kiến thức về từng quốc gia tuỳ thuộc vào từng chuyên ngành. Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên được trang bị ngoại ngữ phù hợp với chuyên ngành học của mình, đảm bảo sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể sử dụng thành thạo ngoại ngữ chuyên ngành để làm việc.
Hỏi: Năm nay em thi vào ngành Đông phương học của trường, em thi khối C, nhưng khoa tuyển cả khối C và khối D, vậy sau khi vào trường em học cùng với cả các bạn khối D ạ?
PGS. TS Lê Đình Chỉnh – Chủ nhiệm Khoa Đông phương học
Sau khi trúng tuyển vào khoa, trong học kì I, sinh viên sẽ học chung trong cùng 1 lớp. Kết quả học kì I cùng với nguyện vọng của sinh viên sẽ là căn cứ để phân các chuyên ngành học trong khoa. Như vậy, không có sự phân biệt về khối thi tuyển sinh.
Hỏi: Thầy cô cho em hỏi là cơ hội xin việc của sinh viên ngành Việt Nam học có cao không, những cơ quan nào thì sẽ tuyển sinh viên ngành Việt Nam học ạ? (Lê Bảo Trung)
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc:
Trả lời em, thì tôi xin khẳng định là cơ hội xin việc của sinh viên ngành Việt Nam học không những cao mà còn rất rộng. Vấn đề là ở em, ở quá trình chuẩn bị, tích luỹ và trang bị kiến thức của em trong thời gian học.
Còn những cơ quan nào thì sẽ tuyển sinh viên ngành Việt Nam học ạ? Có thể vắn tắt thế này:
1. Ở các viện nghiên cứu (nghiên cứu về VNH, nhà VNH), trường đại học, cao đẳng trong cả nước (giảng dạy và nghiên cứu về VNH).
2. Ở các tổ chức, công ty nước ngoài đầu tư và kinh doanh ở VN (những cơ quan này em phải giỏi ngoại ngữ)
3. Các sở, phòng văn hoá, thể thao và du lịch của nước ta (chuyên gia, chuyên viên tư vấn)
4. Các công ty du lịch, đặc biệt là quản lí du lịch lữ hành (quản trị và hướng dẫn du lịch)
5. Các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, nhà xuất bản (phóng viên, biên tập viên….)
Hỏi: Thưa thày cô, trong thông tin tuyển sinh năm nay của ngành Đông phương học, em thấy có chuyên ngành Thái Lan học được đưa vào thay chuyên ngành Đông Nam Á học trước đây. Vậy sự khác nhau của 2 ngành này là như thế nào ạ?
PGS.TS Lê Đình Chỉnh:
Cảm ơn em đã quan tâm đến Khoa Đông phương học của chúng tôi. Kể từ năm nay, được sự đồng ý của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, chúng tôi sẽ tiến hành tuyển sinh 5 chuyên ngành, trong đó đúng như em nói, chuyên ngành Thái Lan học mới được đưa vào. Đây là chuyên ngành sẽ tập trung vào đào tạo tiếng Thái và các môn học về Thái Lan như lịch sử, văn hoá, kinh tế, địa lí…Còn ngành Đông Nam Á trước đây thì đang tiến hành làm thủ tục tách mã ngành mới, trong đó sẽ giảng dạy chung về khu vực Đông Nam Á, còn ngoại ngữ thì sinh viên có thể lựa chọn học tiếng Anh hoặc tiếng Thái.
Hỏi: Em muốn biết chuyên ngành Trung Quốc học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có lợi thế gì hơn so với Khoa tiếng Trung của các trường như Đại học Hà Nội, Đại học ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội?
PGS.TS Lê Đình Chỉnh:Cũng như các chuyên ngành khác của Khoa Đông phương, chuyên ngành Trung Quốc học chủ yếu tập trung đào tạo các kiến thức về khu vực học, đất nước học mà cụ thể là về lịch sử, văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội…trên nền tảng các kiến thức cơ sở về khoa học xã hội nhân văn nói chung và các kiến thức về Đông phương học nói riêng. Ngoại ngữ cũng được giảng dạy song hành với tư cách là một yếu tố quan trọng cấu thành nên văn hoá và là chìa khoá để sinh viên bước vào tìm hiểu nền văn hoá đó. Đó có lẽ là điểm khác biệt lớn nhất và là ưu thế của các chuyên ngành trong Khoa Đông phương học của chúng tôi.
Hỏi: Ngoài chương trình học đã định sẵn, sinh viên khoa Đông phương học có hoạt động ngoại khoá nào không ạ?
PGS.TS Lê Đình Chỉnh: Ngoài chương trình học, cũng như sinh viên của các khoa khác trong trường ĐHKHXH&NV và các trường đại học khác trên toàn quốc, sinh viên Khoa Đông phương học có tham gia các hoạt động của Đoàn thanh niên, Hội sinh viên. Ngoài ra, một điểm mạnh và cũng là ưu thế của sinh viên Khoa Đông phương học là hàng năm, thậm chí là hàng tháng, hàng tuần luôn có những cuộc giao lưu với sinh viên, giáo viên các nước mà mình đang theo học. Các em có thể tổ chức các buổi thảo luận khoa học, tham quan, giao lưu văn hoá với sinh viên các nước và thậm chí trải nghiệm sự khác biệt về văn hoá qua hoạt động homestay. Ngoài việc các đoàn sinh viên nước ngoài sang giao lưu, hàng năm sinh viên của Khoa Đông phương học còn được nước bạn mời sang thăm quan, học tập tại các nước. Có thể nói, đây là những trải nghiệm vô cùng quý báu đối với các sinh viên của Khoa Đông phương học mà không phải ở khoa nào cũng có thể có được.
Hỏi: Ngành Quan hệ Công chúng thì em nghe nói cũng nhiều, nhiều bạn của em cũng rất thích học. Thầy cô nói rõ hơn về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ngành này ạ? (Huong Nguyen – huongnguyen99@***.com)
TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền: Người được đào tạo PR có thể làm việc ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau từ các cơ quan Chính phủ đến các tổ chức Phi chính phủ, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp tư nhân, nước ngoài, tổ chức xã hội, tổ chức dân sự, các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, công ty truyền thông… Bất cứ một cơ quan tổ chức nào cũng có nhu cầu nhân lực về Quan hệ Công chúng.
Ví dụ riêng với khối doanh nghiệp, có thể làm một phép tính đơn giản như sau hiện nay số lượng doanh nghiệp thực tế đang hoạt động ở Việt Nam là khoảng 375,000 và giả sử chỉ 30% trong số doanh nghiệp này cần nhân viên PR thì xã hội Việt Nam cần tới 112,000 người làm công việc này. Trong khi đó khả năng đáp ứng nhu cầu về đội ngũ nhân lực ngành Quan hệ Công chúng từ các cơ sở đào tạo vẫn còn rất khiêm tốn. Phần lớn những người làm PR đang phải tự học hoặc không được đào tạo bài bản. Do vậy, các cử nhân ngành Quan hệ Công chúng tương lai có rất nhiều cơ hội để tìm được vị trí công việc mà mình mong muốn.
Hỏi: Ngành Quan hệ công chúng là ngành mới của trường. Vậy cho em hỏi, điểm chuẩn dự kiến của ngành này năm nay khoảng bao nhiêu điểm? học ngành này có những lợi thế gì? cơ hội du học và việc làm có lớn ko ? (Phạm Hải cream_merino_95@***.vn)
TS Nguyễn Thị Thanh Huyền: Tôi đã nhận được khá nhiều câu hỏi tương tự của em. Thật khó để trả lời năm nay điểm chuẩn của ngành QHCC là bao nhiêu. Có lẽ, tốt nhất em nên tham khảo điểm chuẩn vào các ngành khác nhau của Trường trong những năm vừa qua để tham khảo nhé. Lợi thế của ngành này là bạn có thể áp dụng kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm sau khi học vào rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống, cho bản thân, cho xã hội, để kiếm sống, cống hiến và thăng tiến. Nhu cầu nhân lực ngành QHCC hiện rất lớn, đa dạng, phong phú. Tưởng tượng nếu mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ở VN tuyển chỉ 1 nhân viên QHCC thôi thì nhu cầu tuyển dụng hiện lên đến hàng trăm ngàn cử nhân QHCC, trong khi khả năng cung ứng lao động từ các cơ sở đào tạo còn rất khiêm tốn, như “muối bỏ bể”. Cơ hội du học cũng rất phong phú từ rất nhiều nước, nhiều nguồn học bổng khi bạn có năng lực.
Hỏi: Năm nay em muốn thi vào ngành Quản trị dịch vụ và lữ hành, nhưng thấy mọi người bảo học các ngành xã hội sau này khó kiếm được việc làm, thầy cô cho em hỏi sau khi em ra trường thì liệu em có thể làm đúng ngành không và khoa có giới thiệu chỗ làm cho sv không hay sv phải tự tìm việc ạ? em xin cảm ơn. (Nguyen Tuan Anh)
ThS Tô Quang Long – PCNK Du lịch học:
Chào bạn, cám ơn bạn vì câu hỏi rất thú vị. Trên thực tế, sau 18 năm đào tạo trong lĩnh vực du lịch tính cho đến nay, Khoa Du lịch học đã đào tạo được trên 4000 sinh viên ở các hệ đào tạo. Trong chương trình học của Khoa, sinh viên được trang bị các khối kiến thức khác nhau như văn hoá, địa lí, nghiệp vụ hướng dân, nghiệp vụ khách sạn, quản trị kinh doanh, pháp luật du lịch ….nên sau khi ra Trường sinh viên có thể tham gia phỏng vấn và làm việc trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau như nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn, lữ hành …..Ngoài ra, sinh viên ra Trường có thể làm việc ở các cơ quan quản lí nhà nước về du lịch như Tổng cục du lịch, các Sở VH-TT-TT các tỉnh ….và cuối cùng, rất nhiều sinh viên của Khoa sau khi tốt nghiệp hiện đang tham gia công tác đào tạo, làm giảng viên ở rất nhiều cơ sở đào tạo du lịch khác nhau từ Bắc vào Nam.
Hằng năm, Khoa cũng mời rất nhiều các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, viên nghiên cứu, cơ quan quản lí NN… tổ chức “Ngày hội việc làm” để tạo cơ hội sinh viên có thể tiếp cận với các nguồn tuyển dụng lao động khác nhau.
Như vậy, bạn có thể yên tâm hoàn toàn với chương trình học, khả năng và cơ hội việc làm cho cử nhân ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành nhé.
Hỏi: Cho em hỏi học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành thì được đi thực tập nhiều không? Nhà trường tổ chức cho sinh viên hay chúng em phải tự tìm chỗ thực tập ạ? (Hà Thương)
ThS Tô Quang Long – Phó chủ nhiệm Khoa Du lịch học:
Theo chương trình đạo tạo của Khoa, trong thời gian đào tạo chuẩn, Khoa có rất nhiều chương trình thực tập như thực tập tổng hợp (thời gian từ 9-10 ngày), thực tập cuối khoá (8-10 tuần) ….Ngoài ra, trong một số các môn học, thực tập cũng là một trong nhưng yêu cầu bắt buộc, sinh viên sẽ đươc đi thăm quan, thực tập, thực hành tại các cơ sở lữ hành, khách sạn, các khu du lịch …..
Với các chương trình thực tập, giáo viên và sinh viên sẽ làm việc với nhau để lựa chọn địa điểm thực tập tốt nhất cho sinh viên nhưng vẫn phải đảm bảo được các nội dung, yêu cầu cần có của môn học do Trường đặt ra.
Hỏi: Em thấy ở Học viện Báo chí mỗi loại hình báo chí là 01 ngành học như báo in, báo hình,…nhưng ở trường lại chỉ là báo chí chung thôi..liệu học chung thế thì có bị thiếu kiến thức chuyên sâu không? tại sao trường mình không tách ra như ở bên đó ạ? (Lê Lan Phương)
TS Nguyễn Thị Thanh Huyền:
Mỗi cơ sở đào tạo có mô hình đào tạo riêng, theo những triết lí đào tạo phù hợp với bản sắc và thế mạnh của mình. Với Khoa Báo chí và Truyền thông, sau khi khảo sát thị trường nhân lực và thống kê việc làm của SV đã tốt nghiệp ngành Báo chí trong thời gian qua, chúng tôi nhận thấy nếu đào tạo chung, SV tốt nghiệp nhận bằng Báo chí khả năng tìm được việc làm cao hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn sau khi ra trường. Chẳng hạn, nếu bạn thích truyền hình, nhưng chưa tìm được việc ngay, với bằng Báo chí, bạn vẫn có thể làm tại toà soạn báo in, và ngược lại, trong khi nếu bạn chỉ có bằng tốt nghiệp ngành “Truyền hình”, thì cơ hội sẽ có thể hẹp hơn. Bạn có hơn 1 năm học chuyên sâu theo 1 trong 3 định hướng chuyên ngành: Báo in – Báo trực tuyến, Phát thanh – truyền hình, QHCC – Quảng cáo, cho nên hoàn toàn yên tâm về độ chuyên sâu. Tất nhiên, nếu bạn muốn học cả 3 định hướng chuyên ngành nói trên để tăng cơ hội nghề nghiệp cũng rất tốt.
Hỏi: Ngành Quan hệ Công chúng em thấy cần rất nhiều kĩ năng và đòi hỏi nhiều nỗ lực nếu muốn làm tốt. Không biết thu nhập có tương xứng với thời gian và công sức mà người học, người làm bỏ ra hay không? (Mai Trang – Hải Phòng)
TS Nguyễn Thị Thanh Huyền: Yêu cầu về kiến thức, kĩ năng và tố chất của người làm PR tương đối phong phú, bạn có thể nghĩ rằng công việc này thật nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng bù lại bạn sẽ nhận được một mức lương tương khá hấp dẫn.
Theo một điều tra vào năm 2011, mức lương của nhân viên mới tại các công ty PR chuyên nghiệp trung bình hàng tháng là từ 250 – 500 USD (từ 5 đến 10 triệu VNĐ). Nhóm chuyên viên tại các công ty, tập đoàn lớn có thu nhập cao hơn, từ 600-1000 USD (12- 20 triệu VNĐ); còn nhóm quản lí cấp cao thì có mức lương là từ 1000-2500 USD (khoảng 20-50 triệu VNĐ)…
Thực tế, ngành Quan hệ Công chúng không chỉ cung cấp kĩ năng, kiến thức tốt để bạn làm tốt công việc được giao và có mức thu nhập cao. Ngành này còn giúp người học hoàn thiện chính bản thân mình.
Em chỉ biết một số tờ báo lớn hiện nay như Nhân dân, Tuổi trẻ, Sinh viên, Đài Truyền hình Hà Nội. Nhưng ở đây thì hình như rất khó xin việc. Nếu học báo ra, em vẫn muốn làm báo nhưng không thể xin vào được những cơ quan nói trên thì em có thể xin việc ở đâu được?
TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền: Bạn có thể trở thành phóng viên, biên tập viên làm việc tại các toà soạn báo in, báo điện tử, các đài truyền hình, đài phát thanh. Hiện cả nước có khoảng 700 tờ báo in và tạp chí, cùng hàng trăm đài phát thanh truyền hình từ trung ương tới địa phương. Cơ hội việc làm cho bạn thực sự rất rộng mở.
Hỏi: Em rất thích môn văn. Thầy giáo dạy văn nói rằng em có năng khiếu viết văn. Nhưng mọi người bảo tính cách của em phù hợp với nghề báo. Cho em hỏi nghề báo có giống nghề viết văn không ạ?
TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền: Về nghề báo, nhiều người cho rằng nó xuất phát trước tiên từ một nhu cầu chung của nhân loại. Đó là nhu cầu thông tin. Hãy tưởng tượng, mỗi ngày, khi thức giấc đón chào ngày mới, hầu như ai cũng có chung một câu hỏi: “Hôm nay có gì mới?”. Mọi người đều muốn được trả lời nhanh nhất. Chính nhà báo sẽ là người làm thoả mãn nhu cầu ấy. Ngoài học làm báo, khi bước chân và Khoa Báo chí – Truyền thông, bạn còn cả một lĩnh vực “truyền thông” rộng mênh mông để thử sức. Ví dụ, bạn có thể trở thành một nhân viên quan hệ công chúng (PR), với biết bao nhiệm vụ thú vị như xây dựng thương hiệu; lập kế hoạch truyền thông; quan hệ với báo giới; tổ chức sự kiện; làm việc với các nhóm công chúng đặc thù v.v.. Bạn cũng có thể làm việc trong ngành quảng cáo – một nghề nghiệp vừa khó, vừa vô cùng hấp dẫn. Dù bạn muốn thử sức ở lĩnh vực nào thì việc quyết định bước chân vào ngành Báo chí cũng đồng nghĩa với việc bạn đã chọn cho mình một nghề nghiệp thú vị, năng động và nhiều thử thách. Hãy cân nhắc về năng lực và sở thích của mình để lựa chọn ngành học cho phù hợp.
Hỏi: Nếu tốt nghiệp cử nhân báo chí, em không xin được việc làm báo thì em có thể tìm được việc làm nào phù hợp với tấm bằng của mình không?
TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền: Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân ngành Báo chí có khả năng thực hiện các chức trách phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo, tạp chí, hãng tin, đài phát thanh, đài truyền hình, làm cán bộ nghiên cứu-giảng dạy tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học về báo chí và truyền thông đại chúng, làm cán bộ chức năng trong các cơ quan lãnh đạo, quản lí thông tin báo chí hoặc thực hiện các chức trách công tác đòi hỏi sự hiểu biết có hệ thống, cơ bản về lí luận và kĩ năng nghiệp vụ báo chí, làm chuyên viên tại các công ty truyền thông, làm nhân viên truyền thông, quan hệ công chúng (PR)…
Các cử nhân Báo chí còn có khả năng thích ứng rộng để có thể thực hiện các chức trách công tác tại các cơ quan đơn vị có liên quan đến báo chí và truyền thông đại chúng như các cơ quan văn hoá – tư tưởng, các cơ quan, tổ chức truyền thông vận động xã hội, các bộ phận thông tin tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội, các công ty, tổ hợp, tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế, thương mại, dịch vụ, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước…
Trên thực tế, sinh viên được đào tạo ngành báo chí sau khi ra trường đều có thể đảm nhiệm các cương vị công tác trong và ngoài ngành Báo chí và Truyền thông. Hiện nay, ngoài công việc làm báo, có rất nhiều cựu sinh viên của khoa đã và đang làm việc tại các phòng chức năng thuộc Sở thông tin – Truyền thông, Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch các tỉnh, các ban tuyên giáo tỉnh/huyện, văn phòng tỉnh/huyện uỷ, uỷ ban nhân dân các cấp, các công ty truyền thông, nhà xuất bản, nhân viên quan hệ công chúng trong các công ty, nhà máy… với những yêu cầu công việc hoàn toàn phù hợp với kiến thức chuyên môn.
Hỏi: Học ở Khoa BCTT là học những môn gì ạ? Sinh viên có được đi làm báo khi đang đi học không, hay chỉ được phép học trên lớp thôi?
TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền: Ngoài kiến thức chung, kiến thức chung theo lĩnh vực và kiến thức chung theo khối ngành, sinh viên sẽ được học các môn chuyên ngành và bổ trợ với mức độ khái quát cao nhưng rất chuyên sâu, đảm bảo tối đa trình độ chuyên môn cho các cử nhân báo chí trong tương lai như Lí luận báo chí truyền thông, Pháp luật và đạo đức báo chí truyền thông, Phương pháp cơ bản trong nghiên cứu truyền thông, các môn học thuộc khối kiến thức chuyên ngành hẹp như Báo in – Báo điện tử, Phát thanh – truyền hình, Quan hệ công chúng – Quảng cáo. Trong toàn khoá học, sinh viên luôn có cơ hội được thực tập, kiến tập và cộng tác với các cơ quan báo chí – truyền thông dưới sự hướng dẫn của các giảng viên, phóng viên, biên tập viên có trình độ và kinh nghiệm. Rất nhiều sinh viên của Khoa đã thực sự làm báo và hoạt động truyền thông ngay từ khi còn đang ở trên ghế nhà trường.
Em nghe các anh chị đang học ở Khoa Việt Nam học nói là hàng năm ở khoa có một số sinh viên được cử đi học và thực tập ở Nhật Bản, điều này có đúng không ạ? (Nguyễn Thị Vân Trang – trangvun@***.vn)
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc: Đúng là như vậy. Hiện nay, Khoa Việt học đang tuyển chọn một số sinh viên những năm cuối chuẩn bị sang Nhật Bản để tham gia các khoá học. Đây là một trong những sự hợp tác trao đổi sinh viên hàng năm giữa các trường đại học Nhật Bản và Khoa Việt Nam học. Cụ thể:
– Mỗi năm trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo nhận 1- 2 sinh viên sang thực tập tại Khoa Tiếng Việt của trường. Thời gian 1 năm. Mức học bổng khoảng 1000USD/tháng. Với số tiền này các em có thể đủ trả chi phí cho cuộc sống ở Nhật Bản.
– Mỗi năm, trường đại học Rikkyo, Nhật Bản sẽ tiếp nhận 3 – 5 sinh viên năm 3 năm 4 đi thực tập tại trường. Thời gian từ 2 – 4 tuần. Trong thời gian này, các em sẽ được học tiếng Nhật, đi tham quan và trao đổi về một số vấn đề liên quan đến Nhật Bản học và Việt Nam học. Mọi chi phí do trường chi trả và các sinh viên được chọn chỉ đóng thêm khoảng 500USD/1em.
Điều kiện và tiêu chuẩn để được tuyển chọn chủ yếu là về ngoại ngữ: tương đối thông thạo tiếng Anh và nếu biết tiếng Nhật thì càng tốt.
PGS.TS Nguyễn Văn Kim – Phó Bí thư thường trực, Phó Hiệu trưởng Nhà trường: Chương trình tư vấn tuyển sinh trực tuyến của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ngày 09/3/2012 đã kết thúc. Cảm ơn các vị phụ huynh, các em học sinh và bạn đọc đã tham gia chương trình. Vì thời gian có hạn, không thể trả lời ngay được mọi câu hỏi của thí sinh nên Ban tư vấn sẽ tiếp tục trả lời sau buổi tư vấn này.
Xem các buổi tư vấn khác:
- Thông báo tuyển sinh
- Bồi dưỡng kiến thức
- Thông tin tuyển sinh
- Ngành đào tạo
- Đào tạo ngành 2 (bằng kép)
- Thông tin cần biết
- Thông tin tuyển sinh
- Chương trình đào tạo
- Bổ túc kiến thức
- Thông tin cần biết
- Tuyển sinh VLVH
- Thông tin cần biết
- Chọn ngành, chọn nghề
- Bí quyết học – thi
- Sức khoẻ mùa thi
- Tra cứu kết quả
- Tại sao chọn USSH
- Môi trường học tập
- Học phí - Học bổng
- Ký túc xá