Chọn ngành, chọn nghề

Tổng hợp bài giới thiệu các ngành khoa học xã hội và nhân văn

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN hiện đang triển khai đào tạo 27 ngành bậc đại học với 32 chương trình đào tạo chuẩn và chất lượng cao.

1. Ngành Báo chí: Kiến tạo dòng chảy thông tin trong xã hội
Nghề báo luôn nằm trong những ngành nghề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ trong mỗi mùa tuyển sinh đại học. Hình ảnh những biên tập viên thời sự dẫn chương trình trực tiếp trên sóng truyền hình; những phóng viên hiện trường liên tục đưa các bản tin thời sự nóng hổi về các sự kiện lớn trong và ngoài nước; những chùm bài viết online theo xu hướng multimedia, e-magazine, longform, megastory... - không chỉ chuyển tải sâu sắc các vấn đề xã hội nổi cộm mà còn bắt mắt người xem - phần nào phản ánh sức hấp dẫn của một nghề nghiệp năng động, giàu sức sáng tạo và giàu tinh thần dấn thân để tạo nên dòng chảy thông tin cuồn cuộn trong đời sống xã hội. Liên tục nhiều năm liền, ngành Báo chí được đào tạo tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN luôn nằm trong top 05 ngành có số lượng hồ sơ đăng ký cao nhất trường. XEM CHI TIẾT
2. Chính trị học: Một ngành khoa học mũi nhọn

Trong xã hội hiện đại, chính trị học là ngành học được ưa chuộng vì nó cung cấp hệ thống tri thức cơ bản, nền tảng về các vấn đề chính trị, các hệ thống chính trị, ứng xử chính trị và các kỹ năng giải quyết vấn đề gặp phải trong sự vận động phức tạp của đời sống. XEM CHI TIẾT
3. Công tác xã hội: Nghề của những tấm lòng nhân ái
Trên thế giới, nghề Công tác xã hội (CTXH) ra đời cách đây khoảng 100 năm, khởi nguồn bằng các hoạt động từ thiện, giúp đỡ của các nhà Thiên Chúa giáo trong các tu viện. Ở nước ta, từ sau năm 2010, khi Chính phủ ban hành Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (Quyết định 32/2010/QĐ-TTg), chính thức coi CTXH là một ngành khoa học và một nghề chuyên môn thì nghề này mới bắt đầu phát triển mạnh. Trong tương lai, CTXH là nghề có nhu cầu nhân lực lớn do xuất phát từ thực tế là con người trong xã hội hiện đại ngày càng phải đối mặt với sức ép, rủi ro lớn, cần được sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng và xã hội. XEM CHI TIẾT
4. Đông Nam Á học: Ngành học giàu tiềm năng
Đông Nam Á ngày nay là khu vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới với dân số trên 650 triệu người và GDP trên 2.600 tỷ USD (năm 2018). Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) dự báo đến năm 2020, khu vực này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Không chỉ có nền văn hóa, lịch sử giàu bản sắc cùng tiềm năng phát triển kinh tế lớn mạnh, Đông Nam Á còn ngày càng trở thành một thực thể đoàn kết, gắn bó với nhau biểu hiện qua sự hình thành của Cộng đồng ASEAN từ cuối năm 2015 cho đến nay. Tầm quan trọng và sức hấp dẫn của khu vực này đã thúc đẩy sự hình thành của nhiều trung tâm nghiên cứu và đào tạo về Đông Nam Á học trên khắp thế giới. XEM CHI TIẾT
5. Ngành Đông phương học: Cánh cửa hội nhập với thế giới phương Đông
Đông phương học được chính thức đào tạo tại Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN từ năm 1995. Cho đến nay, ngành học này luôn là mong ước của nhiều bạn trẻ muốn học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, kinh tế, xã hội các nước phương Đông - một khu vực có vị trí quan trọng bậc nhất trong thế giới ngày nay. Điểm tuyển sinh đầu vào của ngành luôn thuộc nhóm cao trong Trường và sinh viên Đông phương học cũng đứng top đầu về khả năng tìm kiếm học bổng du học nước ngoài. XEM CHI TIẾT
6. Hàn Quốc học: Đào tạo tri thức đa ngành và liên ngành về Hàn Quốc

Từ mùa tuyển sinh 2020, Hàn Quốc học - một trong những chuyên ngành của Khoa Đông phương học, vốn đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của người học tại Trường ĐHKHXH&NV - sẽ chính thức được tuyển sinh theo mã ngành độc lập. Điều này không chỉ giúp sinh viên tốt nghiệp ngành này lần đầu tiên nhận được bằng cử nhân Hàn Quốc học mà còn giúp họ được đào tạo sâu hơn, bài bản hơn, có nhiều cơ hội thực tập, thực tế tại các doanh nghiệp, tổ chức Hàn Quốc ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. XEM CHI TIẾT
7. Hán Nôm: Cầu nối giá trị văn hóa truyền thống và hiện tại
Ngành Hán Nôm là cửa ngõ dẫn bạn đi sâu vào kho tàng văn hoá truyền thống để khám phá những giá trị văn hoá trong quá khứ, ứng dụng và phát huy các giá trị ấy trong hiện tại và tương lai. XEM CHI TIẾT
8. Ngành Khoa học quản lý: Người quản lý giỏi là tài sản quý của tổ chức

Hiện nay, Khoa học quản lý đang trở thành một ngành học có sức hấp dẫn lớn với các chuyên ngành như Chính sách công, Quản lý nguồn nhân lực, Quản lý khoa học công nghệ, Sở hữu trí tuệ, Chính sách xã hội... XEM CHI TIẾT
9. Ngành Lịch sử: Một cầu nối của quá khứ, hiện tại và tương lai

Trong xu hướng tìm kiếm việc làm đề cao tính thực dụng của xã hội và thị trường lao động, các ngành khoa học cơ bản nói chung, ngành Lịch sử nói riêng không phải là lựa chọn hàng đầu của nhiều bạn trẻ. Nhưng loại bỏ các yếu tố trên, khoa học lịch sử luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng bởi những gì mà ngành khoa học này mang lại cho mỗi con người, cho mỗi quốc gia, dân tộc, cho toàn xã hội và rộng ra là cả nhân loại. Nhiệm vụ hàng đầu của những người học Sử và làm Sử là chắt lọc kinh nghiệm, bài học từ quá khứ phục vụ, giúp ích cho sự phát triển của đất nước, xã hội, cộng đồng và cá nhân. Đó là chia sẻ của PGS.TS Vũ Văn Quân - Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&N, ĐHQGHN. XEM CHI TIẾT
10. Nghề Lưu trữ: Gìn giữ kho tàng tri thức nhân loại

Lưu trữ học được biết đến là ngành khoa học giúp lưu giữ những tài liệu quá khứ nhằm phát huy giá trị của chúng trong cuộc sống hiện tại và tương lai XEM CHI TIẾT
11. Ngành Ngôn ngữ học: Hướng tới ứng dụng và liên ngành

Ngôn ngữ học là một trong những ngành đào tạo có truyền thống lâu đời nhất của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Có nhiều người nghĩ rằng ngôn ngữ học là học ngôn ngữ. Nhưng thực chất mọi chuyện không đơn giản như vậy. Ngoài chuyện mình phải học ngôn ngữ ra thì mình còn phải trao dồi nhiều kiến thức lí thuyết, kĩ năng phân tích, khả năng ứng dụng liên quan đến ngôn ngữ loài người nói chung và Tiếng Việt yêu quý của chúng ta nói riêng. Giá trị đó khiến ngành ngôn ngữ học trở nên gần gũi và hữu dụng với thực tiễn nhưng cũng rất thú vị và mới mẻ khi khám phá. XEM CHI TIẾT
12. Ngành Nhân học: Nghiên cứu toàn diện về con người

Nhân học (Anthropology) là một ngành khoa học tích hợp kiến thức của các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội, nhân văn và nghệ thuật để nghiên cứu về con người một cách toàn diện. Ra đời từ thế kỉ 19, nhân học có một vị trí học thuật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc và mang tính quốc tế cao. XEM CHI TIẾT
13. Ngành Nhật Bản học: Định hướng liên ngành khu vực học
Nhật Bản học - một trong những chuyên ngành hấp dẫn người học bậc nhất tại Trường ĐHKHXH&NV - đã chính thức trở thành ngành học độc lập trong mùa tuyển sinh 2019. Không còn là một chuyên ngành thuộc Đông phương học, sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ nhận bằng cử nhân Nhật Bản học. Điều này không chỉ giúp sinh viên tốt nghiệp dễ dàng tiếp cận các công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo mà còn là cơ hội để ngành Nhật Bản học của Nhà trường phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng hơn với Nhật Bản học của khu vực và thế giới. XEM CHI TIẾT
14. Ngành Quan hệ công chúng: “Không thể chờ đến khi tốt nghiệp mới ... đi làm !”

Trong xã hội hiện đại, con người dường như luôn dư thừa thông tin nhưng lại không dễ dàng thấu hiểu nhau. Nghề quan hệ công chúng giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không chỉ trở nên nổi bật hơn giữa đám đông để được nhận ra, mà còn thuận lợi hơn trong việc kết nối, duy trì đối thoại với các nhóm công chúng của họ. Là một nghề kết hợp song hành giữa sự sáng tạo không ngừng nghỉ và những nguyên lý khoa học đã được chứng minh, người làm nghề quan hệ công chúng chỉ có thể thành công khi rèn luyện chính mình trong sự kỷ luật chặt chẽ. Trường ĐHKHXH&NV là một trong những cái nôi tuyệt vời để bạn trau dồi và thử thách bản thân để làm chủ kiến thức, kỹ năng và thái độ chuyên nghiệp của nghề quan hệ công chúng. Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền (Chủ nhiệm Bộ môn PR-Quảng cáo, Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN). XEM CHI TIẾT
15. Ngành Quản lý thông tin - Chìa khóa thành công trong kỷ nguyên số
Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, thông tin đã trở thành nguồn lực, là lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Cho tới nay, Trường ĐHKHX&NV là đơn vị tiên phong tại Việt Nam đào tạo bài bản và hệ thống nguồn nhân lực quản trị thông tin. Đặc biệt, từ năm học 2019-2020, bên cạnh CTĐT Quản lý thông tin hệ chuẩn, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN sẽ chính thức mở thêm CTĐT Cử nhân chất lượng cao ngành Quản lý thông tin - hệ đào tạo thu phí theo chi phí đào tạo và đảm bảo chất lượng đáp ứng Thông tư 23/2014/TT-BGD-ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với TS. Đỗ Văn Hùng - Trưởng Khoa Thông tin - Thư viện xoay quanh chủ đề về ngành Quản lý thông tin và về CTĐT mới này. XEM CHI TIẾT
16. Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành: Luôn "khát" nhân lực

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), mỗi năm ngành Du lịch Việt Nam cần thêm gần 40.000 lao động, nhưng chỉ có 14.000 sinh viên ra trường , trong đó chỉ có hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Chính nhu cầu cao về nhân lực trong khi số lượng sinh viên được đào tạo hằng năm thấp đã khiến cho Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành trở thành một trong top những nghề hot, lương khủng. XEM CHI TIẾT
17. Quản trị khách sạn: Top những nghề có thu nhập ấn tượng
Nếu như năm 2000, Việt Nam mới đón 2,1 triệu lượt khách quốc tế, 11,2 triệu lượt khách nội địa thì đến năm 2018, ngành Du lịch Việt Nam đã đón 15,6 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ trên 80 triệu lượt khách nội địa. Cùng với sự bùng nổ về khách du lịch là sự phát triển nhanh chóng của hệ thống nhà hàng, khách sạn đẳng cấp quốc gia và quốc tế trên phạm vi toàn quốc. Điều này đã dẫn đến tình trạng nhân lực phục vụ trong ngành du lịch khách sạn thiếu trầm trọng và Quản trị khách sạn trở thành một trong những ngành học đầy hứa hẹn tại Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Ngọc Dung, Phó trưởng Khoa Du lịch học, Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQG Hà Nội về chương trình đào tạo của Khoa cũng như tương lai nghề nghiệp của sinh viên học ngành này. XEM CHI TIẾT
18. Ngành Quản trị văn phòng - Năng động, Hiện đại, Tinh nhuệ

Để đáp ứng đầy đủ nhân lực về quản trị văn phòng cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp, thì số sinh viên đào tạo hàng năm phải lên tới hàng ngàn người.  XEM CHI TIẾT
19. Ngành Quốc tế học: Để sống và làm việc trong môi trường hội nhập
Quốc tế học là một xu hướng đào tạo mới trên thế giới, xuất hiện chủ yếu từ sau Chiến tranh Lạnh. Xu hướng này ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển tư duy và kỹ năng nghề nghiệp theo hướng đa ngành, rộng mở và sáng tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng phát triển, các quốc gia ngày càng quốc tế hóa sâu sắc trên mọi lĩnh vực. XEM CHI TIẾT
20. Ngành Tâm lý học: Vì một cộng đồng khỏe mạnh về tinh thần, cao đẹp về nhân cách

Tâm lý học là ngành học cung cấp những tri thức tổng quát về cách con người suy nghĩ, cảm nhận và hành động trong bối cảnh cá nhân hay xã hội. Toàn bộ thế giới tinh thần phức tạp của con người, từ những rỗi nhiễu tâm lý đến những hành vi cao đẹp hay ý chí phi thường đều là đối tượng nghiên cứu của ngành Tâm lý học. XEM CHI TIẾT
21. Ngành Thông tin - Thư viện: Năng lực thông tin là phẩm chất cốt lõi
Thư viện là nơi cung cấp cho người dùng kho tàng tri thức khổng lồ, những dịch vụ liên quan đến thông tin và dữ liệu phục vụ việc học tập, nghiên cứu, giải trí... Nhưng cùng với sự xâm nhập mạnh mẽ của công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo Al..., thư viện hiện đại đã có những thay đổi bước ngoặt. Nhiều hoạt động truyền thống của thư viện đã biến mất. Thông tin được số hoá, nhận diện, lưu trữ, bảo mật... qua mã vạch, chỉ từ, công nghệ điện toán đám mây, nhân trắc sinh học ... Người làm công tác thông tin, thư viện không chỉ tổ chức, quản lý tài nguyên thông tin mà còn phải biết đón bắt nhu cầu khách hàng, tư vấn xử lý thông tin, biết khơi gợi, tạo lập và định hình những nhu cầu thông tin mới cho người dùng. XEM CHI TIẾT
22. Tôn giáo học - Khoa học trung tâm của đời sống tinh thần nhân loại

Tri thức về tôn giáo, tín ngưỡng cực kỳ phong phú, sống động và gắn bó mật thiết với đời sống văn hoá, kinh tế, xã hội của chúng ta. Đó là một mạch nguồn nuôi dưỡng nên ý thức hệ và thế giới tinh thần của con người, giúp chúng ta hiểu về cội nguồn, bản sắc của cộng đồng, dân tộc mình. Bên cạnh đó, đời sống xã hội hiện đại đang xuất hiện thêm những hiện tượng tôn giáo, tín ngưỡng mới đòi hỏi sự giải thích, đánh giá từ góc độ khoa học Tôn giáo. Do đó, đây là ngành học quan trọng ở Việt Nam cũng như trên thế giới và xã hội rất cần đội ngũ những cử nhân đại học có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về Tôn giáo học. XEM CHI TIẾT
23. Ngành Triết học: Hiện thân của sự thông thái
Triết học là ngành học nghiên cứu về những vấn đề chung và cơ bản của con người, về thế giới quan và vị trí của con người trong thế giới đó. XEM CHI TIẾT
24. Ngành Văn hóa học: Tôn trọng sự khác biệt
Văn hóa là toàn bộ những sáng tạo và phát minh của con người, vì lẽ sinh tồn, mục đích của cuộc sống. Văn hóa là kiến trúc thượng tầng nên giữ vị trí rất đặc biệt. Vì thế, khi nói đến văn hóa là phải nói đến các giá trị cốt lõi, tinh hoa. Văn hóa thể hiện tầm cao và chiều sâu về trình độ phát triển, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển của mỗi cộng đồng, của cả đất nước. Trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc (1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Văn hóa: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. XEM CHI TIẾT
25. Ngành Văn học: Từ chiều sâu nhân văn đến tính năng động của sự thích ứng
Trong truyền thống, ngành Văn học là ngành học cung cấp nhân lực cho bốn lĩnh vực chủ yếu của đời sống xã hội: nghiên cứu văn học và văn hoá; giảng dạy văn học; báo chí và xuất bản; quản lý văn hoá và sáng tác văn học nghệ thuật. Tuy nhiên, nhờ tính liên ngành được chú trọng trong CTĐT nên sinh viên ngành Văn học giờ đây có năng lực mở rộng phạm vi hoạt động sang những lĩnh vực có liên quan như làm biên kịch, đạo diễn điện ảnh và truyền hình, sản xuất nội dung đa phương tiện và sản xuất nội dung trong lĩnh vực truyền thông... XEM CHI TIẾT
26. Ngành Việt Nam học: Lan tỏa bản sắc Việt

Hiện nay, thống kê sơ bộ cho thấy có hàng trăm cơ sở nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy tiếng Việt và các ngành học liên quan đến Việt Nam trên khắp thế giới. XEM CHI TIẾT
27. Ngành Xã hội học: Nhận diện bản chất sự kiện, hiện tượng, vấn đề...
Ra đời từ thế kỷ XIX gắn liền với cuộc Cách mạng Công nghiệp ở châu Âu, cho đến nay, ở Việt Nam, Xã hội học đã phát triển mạnh và có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện. XEM CHI TIẾT
1
Bạn cần hỗ trợ tuyển sinh?